Với thu nhập chỉ trong khoảng 3 triệu đồng/tháng, tôi có thể mở thẻ tín dụng được không? Nếu được, vui lòng tư vấn giúp tôi đăng ký mở thẻ tín dụng thế nào? Người thân mở thẻ phụ cho tôi thì thủ tục thế nào? (Nguyễn Thị Quỳnh Như)
Trả lời:
Thẻ tín dụng được phân thành nhiều loại với hạn mức tín dụng và các lợi ích đi kèm khác nhau. Thông thường ngân hàng giới thiệu thẻ chuẩn, thẻ vàng và thẻ bạch kim. Tuỳ vào mức thu nhập, bạn sẽ được cấp một loại thẻ với hạn mức tín dụng khác nhau, từ một đến bốn lần mức thu nhập hàng tháng.
Hiện nay, không chỉ riêng ngân hàng mới có sản phẩm thẻ tín dụng. Trong năm vừa qua, FE CREDIT cũng đã phát triển thêm sản phẩm này và là công ty tài chính tiên phong trong việc phát hành sản phẩm thẻ tín dụng dành riêng cho đối tượng khách hàng không đủ điều kiện mở thẻ tín dụng tại ngân hàng. Vì vậy, với mức thu nhập 3 – 5 triệu đồng bạn đã có thể mở thẻ tín dụng.
Bạn có thể mở thẻ tín dụng tín chấp (dựa trên việc chứng minh thu nhập), hoặc thế chấp (bằng tiền ký quỹ tại ngân hàng) và ngân hàng/ công ty tài chính sẽ quyết định hạn mức tín dụng của thẻ dựa vào hồ sơ bạn đã nộp. Đối với thẻ tín chấp, mức thu nhập yêu cầu tối thiểu được mỗi ngân hàng/ công ty tài chính yêu cầu khác nhau (khoảng 3 – 8 triệu đồng/tháng) và thu nhập này phải được thanh toán qua ngân hàng (sao kê ngân hàng, không nhất thiết là ngân hàng bạn muốn mở thẻ tín dụng). Bạn có thể tham khảo tại trang web của các ngân hàng, hoặc liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng để được tư vấn cụ thể hơn.
Có một số tiêu chí để bạn lựa chọn ngân hàng/ công ty tài chính mở thẻ tín dụng như: thủ tục đăng ký thẻ tín dụng đơn giản, vị thế của ngân hàng/ công ty tài chính trên thị trường trong nước và quốc tế, mạng lưới các điểm chấp nhận thẻ, cơ chế bảo vệ an toàn cho các giao dịch, những giải pháp ngân hàng/ công ty tài chính có thể hỗ trợ khi chủ thẻ gặp vấn đề khó khăn về thẻ, tính đa dạng của các chương trình ưu đãi về mua sắm, du lịch, chăm sóc sức khoẻ, v.v. Nói chung, mỗi ngân hàng/ công ty tài chính tự thiết kế các chương trình dành riêng cho chủ thẻ và chính điều này làm nên sự khác nhau về chất lượng dịch vụ thẻ giữa ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng/ công ty tài chính còn cho phép chủ thẻ tín dụng làm thẻ phụ cho người thân mà đôi khi không cần chứng minh mối quan hệ, miễn là chủ thẻ phụ phải từ 18 tuổi trở lên, hoặc 16 tuổi trong trường hợp thẻ phụ là con của chủ thẻ chính. Thẻ phụ sẽ nhận được một thẻ riêng và có mật mã rút tiền riêng, nhưng dùng chung hạn mức tín dụng với thẻ chính. Làm thêm thẻ phụ cũng giống như làm thêm một chìa khoá phụ cho một két sắt.
Việc kiểm soát chi tiêu qua thẻ phụ có thể thực hiện qua bảng sao kê giao dịch hàng tháng, được gửi đến cho chủ thẻ chính. Bảng sao kê sẽ thể hiện rõ số tiền đã được sử dụng trên mỗi thẻ. Mặt khác, khách hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, để kiểm tra giao dịch của thẻ phụ sát với thời gian giao dịch thực tế nhất. Điều này giúp bạn có thể cân đối chi tiêu trong tháng của cả thẻ chính lẫn thẻ phụ. Việc đóng thẻ phụ có thể được thực hiện bởi chủ thẻ chính mà không cần đến chữ ký của thẻ phụ như lúc đăng ký.
Chuyên mục “Tư vấn tài chính tiêu dùng – Mỗi tuần 1 câu hỏi” do FE Credit – Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) phối hợp thực hiện sẽ tiếp nhận tất cả câu hỏi của quý độc giả qua hộp thư: [email protected]