TÓM TẮT:

Hoạt động cho vay của ngân hàng nói chung, Ngân hàng Thương mại Việt Nam nói riêng là một hình thức cấp tín dụng. Hình thức này được thực hiện thông qua việc ngân hàng giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Hoạt động này bao hàm trong nó cả mức độ sinh lời và khả năng rủi ro cao. Vì vậy, để hoạt động cho vay diễn ra thuận lợi nhất, đòi hỏi phải được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định trên cơ sở tính toán hợp lý những yếu tố tác động trong từng khoảng thời gian xác định. Bài viết tập trung nghiên cứu tác động của truyền dẫn chính sách tiền tệ đến việc cho vay của Ngân hàng Thương mại Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: truyền dẫn chính sách tiền tệ, hoạt động cho vay, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Ngân hàng Thương mại Việt Nam là tổ chức trung gian tài chính có chức năng chu chuyển vốn của nền kinh tế, không chỉ mang lại hệ thống thanh toán, cung cấp tín dụng, mà còn là kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả. Hoạt động của Ngân hàng Thương mại Việt Nam, nhất là hoạt động cho vay đã và đang đóng góp rất lớn đến sự phát triển của các ngành, nghề khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là việc Ngân hàng Nhà Nước thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng hay thu hẹp đều sẽ làm thay đổi mức lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại. Nếu Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay thì các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng công cụ phi lãi suất như hạn mức tín dụng để lựa chọn khách hàng và làm cho việc truyền dẫn trở nên hiệu quả hơn.

Sau cuộc khủng hoảng tín dụng của Mỹ năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để xử lý tình trạng đô la hóa, xử lý nợ xấu,… nhằm làm giảm lãi suất, quản lý tín dụng theo hướng thận trọng hơn. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng nhanh trong giai đoạn 2007 – 2011, nhưng từ năm 2012 trở đi, lại giảm mạnh; kết quả cho thấy sự suy giảm nguồn cung cho vay của ngân hàng. Có thể thấy, quyết định lượng cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ phải đối mặt trước tác động của việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, cũng như rủi ro hoạt động của ngân hàng.

2. Nội dung nghiên cứu

Truyền dẫn chính sách tiền tệ là quá trình truyền dẫn những thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước đến sự thay đổi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lãi suất thị trường, tỷ giá hối đoái, cung tín dụng ngân hàng, giá tài sản,… để hướng đến mục tiêu là tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề lao động (Mankiw và Taylor, 2011). Tác động của những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước lên các yếu tố kinh tế vĩ mô khác được nghiên cứu trong mô hình IS – LM, đây được xem là mô hình nền tảng mô tả quá trình truyền dẫn của chính sách tiền tệ thông qua nhiều kênh khác nhau. Theo quan điểm của Bernanke và Blinder (1988), tác động của chính sách tiền tệ thông qua kênh tín dụng được thể hiện: cho vay và bảng cân đối kế toán, thông qua 2 con đường là hoạt động tín dụng của ngân hàng và quá trình điều chỉnh bảng cân đối tài sản của khách hàng.

Thứ nhất, tác động qua hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà Nước thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng hay thu hẹp đều sẽ làm thay đổi mức cung tiền tệ, khiến khối lượng cung tín dụng của hệ thống ngân hàng thay đổi, tác động đến tổng cầu nền kinh tế. Vấn đề này thể hiện thông qua tác động về mặt giá và mặt lượng. Về mặt giá, sự thay đổi trong lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động đến lãi suất thị trường, dẫn đến làm thay đổi lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại. Lãi suất giảm xuống sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngân hàng, đồng thời làm giảm thiểu rủi ro của các dự án đầu tư (Stigliz và Weiss, 1981). Nếu Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay thì các ngân hàng sẽ sử dụng công cụ phi lãi suất như hạn mức tín dụng để lựa chọn khách hàng và làm cho việc truyền dẫn trở nên hiệu quả hơn.

Về mặt lượng, công cụ hạn mức tín dụng tác động trực tiếp đến khối lượng cung tín dụng, do đó tác động đến khoản đầu tư của xã hội. Khi Ngân hàng Nhà Nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ làm tăng lượng tiền gửi của ngân hàng. Để giải quyết vấn đề mất cân đối giữa cung và cầu tín dụng, ngân hàng Thương mại ngoài việc làm giảm lãi suất còn mở rộng hạn mức tín dụng. Do đó, lượng cung tín dụng cho nền kinh tế sẽ tăng lên, từ đó làm gia tăng khoản đầu tư của doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự thay đổi trong lãi suất còn tác động đến giá trị tài sản bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại. Khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ làm lãi suất giảm xuống, dẫn đến làm tăng giá trị thị trường tài sản trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, khả năng cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng lên và tác động đến tổng sản lượng nền kinh tế.

Thứ hai, tác động đến việc điều chỉnh bảng cân đối tài sản của khách hàng.

Khi Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ sẽ làm thay đổi giá trị tài sản ròng của bảng cân đối tài sản doanh nghiệp (Bernanke, 1953 và Blinder, 1988), điều này kéo theo sự lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức, do đó sẽ tác động đến quyết định cung tín dụng của ngân hàng. Sự tác động của chính sách tiền tệ đến biến động tài sản ròng của doanh nghiệp theo 4 hướng:

Khi chính sách tiền tệ nới lỏng, làm giá trị vốn cổ phần tăng lên, đồng nghĩa giá trị tài sản ròng cũng tăng, hoạt động cho vay và chi đầu tư tăng vì lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức giảm và kết quả là tổng cầu tăng.

Chính sách tiền tệ mở rộng sẽ dẫn đến mức giá chung kỳ vọng sẽ tăng, áp lực từ các khoản nợ của công ty cũng sẽ giảm, làm tăng giá trị công ty, do đó lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức được giảm, kết quả là hoạt động chi đầu tư và tổng cầu tăng.

Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ làm cho lãi suất danh nghĩa giảm xuống, dòng tiền vào được xem là khoản tiền thanh toán nợ cho ngân hàng sẽ vào dễ dàng hơn do khả năng thanh khoản được cải thiện, mức độ tín nhiệm của công ty tăng khi lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức giảm, kết quả là hoạt động cho vay và chi đầu tư tăng khiến tổng cầu tăng.

Lãi suất giảm khi chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ làm gia tăng giá trị thị trường của tài sản thế chấp, từ đó giảm rủi ro lãi suất cho doanh nghiệp, dẫn đến khả năng tài chính của doanh nghiệp được cải thiện, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng dễ dàng hơn, điều này làm gia tăng lượng tín dụng dẫn đến làm tăng tổng cầu.

Nghiên cứu những tác động của việc truyền dẫn chính sách tiền tệ đến hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam những năm qua là cơ sở để đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động cho vay phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chung của hệ thống các ngân hang trong những năm tới. Trong đó, cần coi trọng thực hiện tốt việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động cho vay, cụ thể:

Một là, tăng cường các hoạt động quảng bá, truyền thông để đưa hình ảnh của các ngân hàng thương mại đến với khách hàng. Việc chủ động giới thiệu hình ảnh ngân hàng đến với khách hàng là cách tốt nhất để mở rộng nguồn khách hàng. Theo đó, cần có nhiều biện pháp đưa hình ảnh của ngân hàng đến với khách hàng bằng cách tài trợ hoặc quảng cáo phù hợp. Đồng thời, tập trung nghiên cứu và tìm kiếm các thị trường khách hàng mới, tiềm năng, thông qua phát huy vai trò của bộ phận chuyên trách về hoạt động phát triển khách hàng nhằm nghiên cứu, phân tích và tìm ra thị trường còn bỏ ngỏ, như: các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, giải trí, dịch vụ, các doanh nghiệp vùng ngoại ô, vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo,… Đây là cách thức vừa mở rộng qui mô khách hàng từ đó tăng qui mô dư nợ, đồng thời giảm sự cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập. Bên cạnh đó, cần mở rộng các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp trên cả nước nhằm thu hút được nhiều nhóm khách hàng hơn, doanh số cho vay sẽ tăng lên.

Hai là, xây dựng hệ thống thông tin tín dụng đầy đủ và chính xác về các khách hàng. Thực hiện giải pháp này có ý nghĩa quan trọng, vừa đảm bảo cập nhật chính xác thông tin cần thiết của khách hàng, giảm thiểu rủi ro cho vay; vừa đảm bảo cho việc đánh giá xét duỵêt khoản vay được diễn ra nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn kịp thời để nắm bắt cơ hội và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cùng với đó, quan tâm xây dựng chính sách tín dụng ưu tiên dành riêng cho các khách hàng có lịch sử thanh khoản tốt và gắn bó lâu dài với ngân hàng.

Ba là, thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực thẩm định tài chính khách hàng của cán bộ tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian, đánh giá chính xác năng lực của khách hàng. Chất lượng của khoản vay phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thẩm định tài chính khách hàng của cán bộ tín dụng. Do đó, cần tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ, nhằm giúp cho các cán bộ tín dụng của ngân hàng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác thẩm định năng lực tài chính của khách hàng. Cùng với đó, cần tổ chức các đợt kiểm tra chất lượng cán bộ, nhằm phân loại để có biện pháp bồi dưỡng phù hợp với những cán bộ chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, cần quan tâm đến các vấn đề đạo đức, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có kỉ luật, lành mạnh của đội ngũ cán bộ tín dụng, đảm bảo cho lực lượng này luôn tuân thủ một cách đúng mực theo quy trình tín dụng đã ban hành.

Bốn là, tăng cường công tác dự đoán rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay. Rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay là những tổn thất ngoài dự đoán của ngân hàng đến với hợp đồng cho vay, như: rủi ro hối đoái, rủi ro đạo đức, rủi ro môi trường kinh tế vĩ mô đột ngột thay đổi. Vì vậy, Ngân hàng cần đẩy mạnh việc theo dõi, dự đoán những rủi ro từ các khoản cho vay thông qua việc phân tích đặc điểm ngành nghề, môi trường kinh doanh, cập nhật biến động thị trường. Đồng thời, lập trước các biện pháp ứng phó, hoàn thiện cơ chế đảm bảo tiền vay với việc sử dụng nhiều cơ chế khác nhau, như: cho vay dựa vào bảo lãnh của bên thứ ba, dựa trên hiệu quả dự án, dựa trên tài sản hình thành từ vốn, tín chấp,… Việc kết hợp đồng bộ các biện pháp này với nhau sẽ cho phép ngân hàng vừa phát triển nhóm khách hàng, vừa hạn chế được những rủi ro của hoạt động cho vay.

3. Kết luận

Những tác động của việc truyền dẫn chính sách tiền tệ đến hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam rất lớn. Theo đó, việc nghiên cứu và đề xuất những biện pháp thực hiện hết sức cần thiết nhằm gia tăng mức độ thích ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động chung của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Phúc Cảnh (2016). Truyền dẫn chính sách tiền tệ và kênh cho vay tại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  2. Đinh Thị Thu Hồng (2013). Hiệu quả của chính sách tiền tệ thông qua kênh truyền dẫn lãi suất. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 22, 39-47.
  3. Trần Ngọc Thơ, Nguyễn Hữu Tuấn (2013). Cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Việt Nam tiếp cận theo mô hình SVAR. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 20, 8-16.
  4. Mankiw, N. G. and Taylor, M. P. (2011). Macroeconomics. South-Western: Cengage Learning.
  5. Bernanke, B. S. and Blinder, A.S. (1988). Credit, money, and aggregate demand. Cambridge, Mass, USA: National Bureau of Economic Research.
  6. Bernanke, B.S and Gertler, M. (1995). Inside the black box: The credit channel of monetary policy transmission. Journal of Economic perspectives, 9, 27-48.
  7. Stiglitz, J.E and Weiss, A. (1981). Credit rationing in markets with imperfect information. The American Economic Review, 71, 393-410.

IMPACTS OF MONETARY POLICY TRANSMISSION ON LENDING ACTIVITIES OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

Master. NGUYEN QUY DAN

Asia Commercial Bank

ABSTRACT:

The lending activities of banks in general and of Vietnamese commercial banks in particular are a way of credit granting. In this way, the bank allows a person or organization to use a sum of money provided by the bank under an agreement to pay it back later and interest. There are risks in lending. Therefore, in order to limit risks in lending, lending activities have to be based on certain principles with reasonable calculation of influencing factors in each defined period. This paper examines the impact of monetary policy transmission on lending activities of Vietnamese commercial banks.

Keywords: monetary policy transmission, lending, commerical bank.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 26, tháng 11 năm 2021]

By Thai Anh

Hỗ trợ bạn đọc có thêm nhiều kiến thức vay vốn. Giúp mọi người có thể giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống thường ngày.