1. Số dư khả dụng

Số dư khả dụng là số tiền trong tài khoản mà bạn có thể sử dụng để giao dịch.

Ví dụ: Số tiền thực tế trong tài khoản của bạn là 5 triệu đồng. Theo quy định của ngân hàng thì khách hàng phải duy trì tối thiểu 1 trăm nghìn đồng trong tài khoản. Vậy số tiền tối đa được phép sử dụng là 4,9 triệu đồng và đó chính là số dư khả dụng.

2. Phân biệt số dư khả dụng, số dư thực tế và mối liên hệ giữa số dư khả dụng và số dư thực tế.

Số dư thực tế đối với một tài khoản thông thường (tài khoản không được cấp hạn mức thấu chi) lớn hơn hoặc bằng số dư khả dụng, số tiền chênh lệch ít nhiều phụ thuộc vào quy định của mỗi ngân hàng có yêu cầu khách hàng phải duy trì số dư tài khoản hay không và số tiền quy định tối thiểu là bao nhiêu.

Chúng ta có thể tính toán số dư khả dụng dựa trên công thức chung:

Số dư khả dụng = Số dư thực tế + Hạn mức thấu chi (nếu có) – Số dư tối thiểu duy trì tài khoản (nếu có) – Số tiền bị phong tỏa (nếu có)

Trong đó, định nghĩa cụ thể của mỗi thuật ngữ được đề cập bên dưới:

  • Số dư thực tế: Là toàn bộ số tiền của khách hàng có trong tài khoản
  • Hạn mức thấu chi: Một số tài khoản thanh toán đặc biệt được ngân hàng cấp thêm một hạn mức thấu chi để khách hàng sử dụng cho việc giao dịch ngoài số tiền mà khách hàng đang có. Trong trường hợp số tiền của khách hàng trong tài khoản không đủ để thực hiện giao dịch, ngân hàng sẽ trích thêm trong hạn mức thấu chi và thu lãi theo quy định trên số tiền thấu chi thực tế đã dùng.
  • Số dư tối thiểu duy trì tài khoản: Là số tiền tối thiểu khách hàng phải luôn để trong tài khoản nhằm duy trì hoạt động của tài khoản. Hiện nay, đa số các ngân hàng đều yêu cầu phải duy trì số dư tối thiểu là 100.000 đồng. Tuy nhiên cũng có một số ngân hàng sẽ không yêu cầu duy trì số dư này.
  • Số tiền bị phong tỏa: Là số tiền của khách hàng nhưng bị ngân hàng phong tỏa hoặc giữ lại trong tài khoản của khách hàng dựa trên yêu cầu khách hàng hoặc bằng văn bản của cấp có thẩm quyền trong một số trường hợp: số tiền sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, tài khoản bị truy đòi do chuyển nhầm, số tiền đang trong diện tranh chấp… Tùy vào đề nghị của khách hàng mà ngân hàng sẽ phong tỏa toàn bộ hay phong tỏa một phần số tiền.

Xem thêm: Những cách nạp tiền điện thoại online uy tín và nhanh chóng. Tại đây Nạp 4G tốc độ cao với ưu đãi hấp dẫn trên Mobile Banking MyVIB 2.0. Tại đây

3. Cách kiểm tra số dư khả dụng

3.1. Kiểm tra trực tiếp số dư khả dụng tại quầy giao dịch:

Bạn có thể đem theo CMND/CCCD ra bất kỳ chi nhánh của ngân hàng mà mình mở tài khoản để yêu cầu cung cấp thông tin số dư khả dụng. Ngân hàng sau khi đối chiếu và xác minh thông tin trên CMND/CCCD và chữ ký trên đơn yêu cầu của khách hàng với cơ sở dữ liệu hiện có tại ngân hàng khớp đúng sẽ tiến hành kiểm tra và cung cấp thông tin số dư khả dụng.

Đây là cách truyền thống nhưng cũng tốn nhiều thời gian nhất cho cả khách hàng và ngân hàng vì phải đến quầy giao dịch mới được hỗ trợ.

3.2. Kiểm tra số dư khả dụng tại máy ATM

Thay vì ra ngân hàng và chờ đợi để đến lượt giao dịch, khách hàng có thể đến bất kỳ cây ATM nào để truy vấn thông tin tài khoản chỉ với thẻ ATM/thẻ thanh toán gắn liền với tài khoản đó. Để truy vấn số dư khả dụng của tài khoản, chủ tài khoản có thể thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Cho thẻ ATM/thẻ thanh toán vào máy ATM
  • Bước 2: Nhập mật khẩu thẻ
  • Bước 3: Chọn “truy vấn thông tin tài khoản”

Sau khi hoàn thành các bước trên, màn hình ATM sẽ hiển thị thông tin số dư khả dụng trong tài khoản của khách hàng.

Cách này tuy giúp khách hàng rút ngắn thời gian đợi để được xử lý giao dịch so với hình thúc kiểm tra tại quầy nhưng vẫn có hạn chế về mặt địa lý, khách hàng vẫn phải mất thời gian đi đến các điểm ATM để truy vấn thông tin.

3.3. Kiểm tra số dư khả dụng qua kênh SMS Banking

Với dịch vụ SMS Banking, chỉ cần chiếc điện thoại di động, bạn có thể truy vấn thông tin số dư khả dụng ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào với điều kiện số điện thoại của bạn đã đăng ký dịch vụ SMS Banking

Bằng cách soạn tin nhắn theo cú pháp và gửi đến tổng đài theo quy định và hướng dẫn của ngân hàng, ngân hàng sẽ phản hồi SMS thông báo số dư khả dụng.

Ví dụ: bạn muốn biết thông tin số dư tài khoản mở tại VIB, có thể soạn tin nhắn theo cú pháp:

VIB SDTK <Mã khách hàng> gửi đến tổng đài 6089

Trong đó mã khách hàng là mã số nhận diện của mỗi khách hàng ở tại ngân hàng, mỗi khách hàng sẽ chỉ được cấp 1 mã khách hàng duy nhất tại ngân hàng đó.

Hình thức kiểm tra thông tin số dư tài khoản qua kênh SMS Banking tuy khắc phục được nhược điểm của 2 hình thức trên nhưng khách hàng sẽ phải tốn chi phí SMS cho mỗi lượt tin nhắn.

3.4. Kiểm tra số dư khả dụng qua kênh ngân hàng số

Đây là hình thức tối ưu, đơn giản và tiện lợi nhất đối với khách hàng. Chỉ với thiết bị thông minh có kết nối internet, chủ tài khoản có thể nhanh chóng truy cập mobile banking hoặc internet banking để biết chi tiết thông tin số dư khả dụng.

Các bước để biết thông tin số dư khả dụng thông qua kênh mobile banking, internet banking:

  • Bước 1: Đăng nhập vào mobile banking, internet banking sau khi đã đăng ký thành công
  • Bước 2: Vào mục tài khoản và chọn tài khoản muốn xem, màn hình sẽ hiển thị thông tin tài khoản đó, bao gồm số dư khả dụng.

4. Sử dụng ứng dụng Mobile banking MyVIB 2.0 để kiểm tra số dư khả dụng

Ứng dụng ngân hàng di động (Mobile banking) MyVIB 2.0 giúp bạn kiểm tra thông tin số dư tài khoản ngay tại thời điểm hiện tại. Chỉ với thao tác đơn giản là truy cập Ứng dụng di động MyVIB 2.0 trên thiết bị di động có kết nối wifi/3G, tiếp đó chọn xem tài khoản để thấy được thông tin số dư khả dụng của tất cả tài khoản mở tại VIB.

Là ngân hàng dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để đem đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất, VIB đã sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) vào ứng dụng di động MyVIB 2.0. Nếu là người thích trải nghiệm những công nghệ mới, bạn nên thử sử dụng tính năng này nhé. Bạn có thể xem thông tin số dư khả dụng trên giao diện thực tế tăng cường của MyVIB 2.0 bằng cách vào mục Khác > Chọn chế độ sử dụng > Thực tế tăng cường (AR), ứng dụng di động MyVIB 2.0 sẽ chuyển giao diện tiêu chuẩn sang giao diện thực tế tăng cường. Bằng hình thức này, bạn sẽ có trải nghiệm thú vị, mới mẻ khi xem thông tin số dư khả dụng.

Hy vọng nội dung chia sẻ ở trên đã cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích cũng như giúp bạn hiểu thế nào là số dư khả dụng cũng như cách phân biệt số dư khả dụng và số dư thực tế. Qua đó, giúp bạn hiểu rõ hơn các quy định của ngân hàng về số dư khả dụng để quản lý chi tiêu hợp lý hơn nhé.

By Thai Anh

Hỗ trợ bạn đọc có thêm nhiều kiến thức vay vốn. Giúp mọi người có thể giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống thường ngày.