Đầu tư tiền ảo: Từ đỉnh cao đến vực sâu
Đầu tư tiền ảo: Từ đỉnh cao đến vực sâu

Vỡ mộng đổi đời từ tiền ảo

Trịnh Tuấn – một nhân viên tiếp thị quê ở Nam Định – nhớ lại, dịp Tết năm ngoái, trong khi rất nhiều bạn bè đồng lứa phải chắt bóp, tằn tiện mới tạm lo cho gia đình được một cái Tết tươm tươm thì Tuấn lại hết sức rủng rỉnh. “Đại thắng” sau khi đầu tư vào “trâu cày” cũng như mua bán các loại tiền ảo (đào Pi, mua Terra -Luna), Trịnh Tuấn không những sắm được ô tô mới mà còn dư tiền để tậu căn hộ chung cư tại Hà Nội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng giấc mơ làm giàu của Tuấn đã biến mất khi chỉ vài tháng sau đó, sàn Luna sập đột ngột. Giá của tiền điện tử Terra (Luna) từng đạt đỉnh 119 USD về mức 86 USD mỗi đồng vào ngày 6/5. Tuy nhiên, vài ngày sau, token này rơi thẳng đứng xuống 5 USD, giảm gần như 100% giá trị và hiện chỉ còn ở mức 0,0002 USD.

Trên các hội nhóm mạng xã hội Việt Nam, lúc đó, chủ đề Luna xuất hiện với tần suất tăng mạnh. Một số thừa nhận họ mất trắng tài sản, khi khoản thiệt hại được liệt kê từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD, thậm chí có người mất gần một triệu USD.

Tương tự, anh Trần Ngọc Thắng cũng là nạn nhân của một sàn giao dịch tiền ảo. Ðược người quen giới thiệu là “đầu tư vào đây thì ngồi chơi cũng có tiền”, anh Thắng lấy tiền tiết kiệm và vay mượn thêm khoảng 2 tỷ đồng để đầu tư vào một sàn giao dịch có tên là Busstrade. Sau hơn một tháng tham gia, thấy hình thức đầu tư này khá rủi ro, nhưng chưa kịp rút tiền thì anh Thắng nhận được thông báo sàn đóng cửa.

Với đồng Pi, hay Bitcoin cũng vậy, đến nay, nhiều người tham gia đào nhằm “đổi đời” đều vỡ mộng. Anh Tiến Dũng (32 tuổi, quê ở Hà Nam) kể: “Lúc mới tham gia tiền ảo, tôi liên tục trúng nên đã tiếp tục đầu tư lớn. Từ năm 2017 tôi đầu tư cả dàn máy tính trị giá hơn 80 triệu đồng để cày Bitcoin, đổ hết tiền tiết kiệm vào để chơi Bitcoin, có lúc được, có lúc mất nhưng đến thời điểm hiện tại chẳng còn gì. Dàn máy đào coin thì vứt xó, tài khoản trên sàn còn chẳng nhớ mật khẩu. Tính ra, mất ngót nghét gần 300 triệu”.

Mới đây, vụ phá sản của FTX đã khiến thị trường tiền ảo toàn cầu rúng động, hàng nghìn tiền ảo giảm giá mạnh. Đầu năm 2022, FTX được các nhà đầu tư định giá 32 tỷ USD nhưng chỉ trong 1 ngày (8/11), FTT đã mất 80% giá trị. Sang ngày 9/11, token này giảm tiếp 50% xuống còn khoảng 2,3 USD, đưa tổng giá trị của các mã thông báo đang lưu hành xuống chỉ còn 308 triệu USD. Trong tuần qua, nhiều đồng tiền ảo khác trong top 10 giảm mạnh, như BNB giảm 4,27%, Cardano sụt 6,61% và Polygon lao dốc 13%. Trong khi đó, đồng Solana – đồng tiền ảo có liên quan tới FTX – tiếp tục giảm 18%, còn FTT – token của sàn FTX – giảm xuống chỉ còn 1,44 USD.

Lợi nhuận cao kèm rủi ro

Trong tài liệu xin phá sản gửi lên tòa án Delaware vào hôm 11/11, FTX cho hay, công ty hiện có hơn 100.000 chủ nợ hợp pháp. Ngoài ra, danh sách mắc nợ có thể mở rộng tới hơn 1 triệu người. Ước tính tổng mức thiệt hại nhiều tỷ USD.

Anh Trần Mạnh Hùng (Bắc Giang) cho hay, chọn FTX vì là sàn giao dịch lớn hàng đầu thế giới. Những tưởng không đổ vỡ nhưng vài nghìn USD tại FTX giờ lại không biết cách nào để lấy lại.

Nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt Nam có gần 10.000 thành viên đã ngừng hoạt động. Nhiều người kẹt tiền tại đây, không thể giao dịch. Không những trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của một DN phá sản mà khả năng mất trắng tài sản cũng đang dần hiện hữu.

Sự sụp đổ của FTX và các sàn tiền ảo là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng “chẳng có bữa trưa miễn phí nào” dành cho những nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh…

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên tắc đầu tư bao giờ cũng là lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro cao. Việc các sàn tiền ảo, sàn Forex “bao lời” với lợi nhuận khủng là phi lý, song hầu hết nhà đầu tư vì ham lợi nhuận mà mất cảnh giác.

Thế giới tiền mã hóa liên tục xảy ra các vụ sụp đổ, gây chấn động thị trường. Trong quá khứ rất nhiều trường hợp sàn tiền ảo bị sập hay phá sản như: Mt.Gox, Bitfinex, BitConnect, QuadrigaCX, thảm họa Luna hồi tháng 5…

Hiện khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử. Đã nhiều lần, lãnh đạo các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, pháp luật sẽ không bảo hộ cho những rủi ro liên quan đến tiền ảo, thậm chí, cá nhân đầu tư vào sàn tiền ảo là tiếp tay cho sai phạm. Với những biến động mạnh và khó đoán thời gian gần đây, việc bỏ vốn vào thị trường tiền điện tử vẫn là khoản đầu tư vô cùng mạo hiểm. Do vậy, người tham gia cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các quyết định của mình.

Thống kê của cơ quan an ninh, hiện có khoảng hơn 500 sàn giao dịch tiền mã hóa, các sàn không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào của Việt Nam. Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mặc dù nhiều đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch tiền ảo đã bị lực lượng công an liên tiếp đánh sập, tuy nhiên, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.

By Thai Anh

Hỗ trợ bạn đọc có thêm nhiều kiến thức vay vốn. Giúp mọi người có thể giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống thường ngày.