Đặt vấn đề

CBDC – tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành là một xu hướng ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nghiên cứu ngày càng tăng lên. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), hầu như tất cả các ngân hàng trung ương đang tích cực khám phá tiềm năng của một CBDC. Sự ra đời của tiền kỹ thuật số là một sự tiến hóa tự nhiên, phù hợp với nhiều khía cạnh khác của cuộc sống khi chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật số. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để xác định xem các ngân hàng trung ương có nên phát hành tiền kỹ thuật số của riêng mình hay không. Lý do là chưa thể đánh giá đầy đủ các rủi ro và công nghệ nền tảng của chúng.

Sự phát triển của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành của các quốc gia trên thế giới

Theo Cointelegraph, một cuộc khảo sát của BIS cho thấy hơn 90% trong số 81 ngân hàng trung ương thuộc các quốc gia chiếm đa phần sản lượng kinh tế toàn cầu tham gia khảo sát cho biết họ đang nghiên cứu ý tưởng về việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Hơn 25% ngân hàng trung ương đang tích cực phát triển một đồng tiền kỹ thuật số hoặc đang triển khai các chương trình thử nghiệm. BIS cho biết trên toàn cầu, hơn 2/3 ngân hàng trung ương có khả năng hoặc có thể phát hành CBDC bán lẻ trong ngắn hạn hoặc trung hạn.

Theo dữ liệu từ CBDC Tracker tháng 12/2022, có 114 quốc gia, chiếm hơn 95% GDP toàn cầu đã tìm hiểu về các đề xuất đa dạng về thiết kế, quyền truy cập và cơ sở hạ tầng của CBDC. Có 60 quốc gia đã đạt tới giai đoạn phát triển chuyên sâu, thí điểm và triển khai CBDC. Có 11 quốc gia đã ra mắt một loại tiền điện tử của riêng họ. Có 18 trong số các quốc gia G20 đang trong giai đoạn phát triển CBDC tiên tiến. Gần như mọi quốc gia G20 đã đạt được tiến bộ đáng kể và đầu tư mới vào các dự án CBDC.

Cũng theo CBDC Tracker, dự kiến vào năm 2023, có hơn 20 quốc gia sẽ tiến hành thí điểm CBDC, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang nghiên cứu tính khả thi của việc phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) khi các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á.

Cơ hội và thách thức khi phát hành tiền kỹ thuật số pháp định

CBDC dựa trên công nghệ Blockchain có thể hiện đại hóa hệ thống thanh toán bằng cách tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính và công ty Fintech ứng dụng và thử nghiệm các công nghệ hiện đại, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam. Công nghệ Blockchain mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí giao dịch, cải thiện hiệu quả thanh toán xuyên biên giới và cho phép công ty nhỏ tiếp cận thị trường toàn cầu với chi phí thấp.

CBDC cải thiện độ tin cậy và an toàn của hệ thống thanh toán nhờ tính minh bạch, xác minh và bảo mật. Nó cũng cung cấp một công cụ hiệu quả để thực thi chính sách tiền tệ tại Việt Nam và thúc đẩy tài chính toàn diện bằng cách cho phép nhiều người hơn tiếp cận với dịch vụ tài chính. Ngoài ra, CBDC có thể sử dụng ở những khu vực không có kết nối Internet và giúp tăng cường tính minh bạch và bảo mật của giao dịch.

Tuy nhiên, việc đưa tiền kỹ thuật số vào thành tiền pháp định cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức. Vấn đề quyền riêng tư là một trong những thách thức lớn nhất trong nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, còn rủi ro chiếm dụng quá mức CBDC và tác động tiềm tàng đối với nguồn cung tín dụng và sự ổn định tài chính.

Khuyến nghị cho Việt Nam trong hình thành và phát triển tiền kỹ thuật số pháp định

Đầu tiên, cần cải cách quy định để cho phép chính phủ phát hành tiền số và xác minh liệu các quy định hiện tại có đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế hay không. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư vào nghiên cứu về tiền kỹ thuật số để tạo ra một loại tiền kỹ thuật số phù hợp với đời sống kinh tế, xã hội của nước ta và tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hóa, trao đổi tài sản.

Thứ hai, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng số quốc gia để tương thích với việc phát hành CBDC tại Việt Nam. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thí điểm và ra mắt CBDC sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu khó khăn và vướng mắc trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển CBDC.

Thứ ba, cần xây dựng chính sách phát triển và quản lý tiền kỹ thuật số của Việt Nam. Chính phủ cần định danh, định nghĩa và ghi nhận tiền kỹ thuật số trong pháp luật. Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách tài chính liên quan đến tiền kỹ thuật số như chính sách thuế, chính sách lưu thông và kiểm soát giao dịch bằng tiền kỹ thuật số.

Kết luận

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng đang nghiên cứu và nghiên cứu khả thi về việc phát hành tiền kỹ thuật số. Việc phát triển và triển khai CBDC có thể mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Để thực hiện thành công, cần có sự cải cách quy định, nâng cấp cơ sở hạ tầng số và xây dựng chính sách phát triển tiền kỹ thuật số. Việt Nam cần nhận thức rõ rằng CBDC có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tài chính của đất nước.

By Thai Anh

Hỗ trợ bạn đọc có thêm nhiều kiến thức vay vốn. Giúp mọi người có thể giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống thường ngày.