Nửa đầu năm 2022 đã trở thành “thời kỳ tối tăm” chưa từng có của cộng đồng tiền điện tử trên toàn cầu. Hàng tỷ đô la đã biến mất mãi mãi sau những vụ tấn công vào các hệ thống tiền điện tử. Đồng thời, giá trị của nhiều loại tiền ảo đã giảm đáng kể chỉ sau vài giờ.
Tấn công vào hệ thống tiền điện tử
Hầu hết các vụ tấn công trước đó đã nhắm vào các hệ thống tiền điện tử sử dụng công nghệ blockchain. Dù được ưa chuộng vì những lợi ích như giảm chi phí, tốc độ giao dịch nhanh, tính đa dụng… nhưng blockchain cũng có nhiều điểm yếu, đặc biệt là về mặt bảo mật. Điều này khiến nó trở thành “miếng mồi ngon” cho tin tặc.
Theo số liệu từ Chainalysis, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thiệt hại của các sàn tiền ảo do bị tin tặc tấn công đã lên đến 1,4 tỷ USD. Một trong những vụ tấn công đáng chú ý là Axie Infinity, mất hơn 600 triệu USD sau khi bị tin tặc xâm nhập vào hệ thống tiền ảo của tựa game này. Có thể Axie Infinity sẽ không thể phục hồi sau thiệt hại lớn.
Những rủi ro khác
Ngoài vấn đề bảo mật, thị trường tiền ảo còn phải đối mặt với nhiều yếu tố bên ngoài khác như: lạm phát gia tăng, lãi suất ngân hàng tăng, pháp lý bị siết chặt… đẩy thị trường vào một “mùa đông” được dự đoán là gây nhiều thiệt hại hơn so với giai đoạn tương tự vào năm 2018.
Vào thời điểm đó, nhiều đồng tiền ảo đạt giá trị kỷ lục rồi đột ngột giảm mạnh. Bitcoin đã sụt giá xuống mức thấp nhất từng có là 3.122 USD/đồng. Điều này khiến 70% sàn tiền ảo phải đóng cửa và hàng trăm tỷ USD của nhà đầu tư biến mất.
Tới thời điểm hiện tại của năm 2022, xuất hiện nhiều dấu hiệu tương tự. Giá Bitcoin giảm gần 70% so với đỉnh cao 69.000 USD/đồng đạt được vào năm trước. Tổng giá trị thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” tới 1.000 tỷ USD chỉ tính từ tháng 4 đến nay.
Đầu tư tiền điện tử vẫn tiếp tục
Mặc dù thị trường tiền ảo đang ở giai đoạn khủng hoảng nhất trong nhiều năm qua, tuy nhiên số tiền đầu tư vào thị trường này vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trái với tình hình tồi tệ, hàng chục tỷ USD vẫn được đổ vào thông qua các nguồn đầu tư mạo hiểm.
Theo Dove Metrics, trong 6 tháng đầu năm 2022, các công ty tiền ảo đã tổ chức khoảng 1.200 vòng gọi vốn với số tiền huy động lên tới 30 tỷ USD. Đây là con số cao hơn toàn bộ mức tương tự trong cả năm 2021. Số lượng thương vụ và giá trị vốn cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các lĩnh vực tiền ảo như Tài chính tập trung, GameFi, NFT và Metaverse, Cơ sở hạ tầng blockchain đều nhận được sự quan tâm lớn.
Mặc dù dòng vốn đổ vào thị trường tiền ảo dự kiến sẽ giảm đi về số lượng và giá trị thương vụ trong nửa cuối năm 2022, động thái này sẽ tạo điều kiện tốt cho các dự án nghiêm túc và cần thời gian để phát triển sản phẩm. Đồng thời, đem lại sự lành mạnh cho thị trường tiền ảo.