Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và thiết bị điện thoại di động xuất hiện hàng loạt ứng dụng cho vay tiền online khiến nhiều người có nguy cơ “sập bẫy” nếu không cẩn trọng. Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã cảnh báo và trao đổi về thủ đoạn của tội phạm mới này.
Hiện nay, mỗi khi cần vay tiền người dùng chỉ cần gõ từ khóa vay tiền trên ứng dụng các kho ứng dụng trực tuyến (App Store và Google Play) sẽ xuất hiện rất nhiều ứng dụng vay tiền với cam kết hấp dẫn, lãi suất vừa phải, vay nhanh, dễ duyệt, không cần thẩm định, vay nhiều, lãi suất thấp, chỉ cần xác minh thông tin online… Tuy nhiên, khi người vay tiền được duyệt sẽ tính lãi suất khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ các lý do như: phí bổ sung, phí bảo hiểm, phí môi giới….
Thủ đoạn hoạt động của các loại hình này là: Yêu cầu người vay nhập thông tin cá nhân, cho phép thực hiện quản lý cuộc gọi và truy cập danh bạ, mạng xã hội Facebook, Zalo, cho phép truy cập quyền định vị của điện thoại, cung cấp số tài khoản ngân hàng, hình ảnh chân dung…. với cam kết đảm bảo an toàn cho thông tin của người vay. Số tiền cho vay qua các ứng dụng thường không nhiều từ 1 – 10 triệu đồng, thời hạn trả tiền vay khoảng 7 ngày, nếu quá hạn mức chịu phạt (do trả lãi chậm) theo ngày gấp chục lần so với tiền gốc… Nếu người vay tiền không có khả năng chi trả, các đối tượng sẽ giới thiệu người vay tiền ở một ứng dụng khác, cứ như thế tiếp tục vay của các app sau để trả cho khoản vay trước. Đa số người vay tiền phải vay tiền nhiều ứng dụng khác nhau nên dẫn đến số tiền nợ ngày càng nhiều, dẫn đến mất khả năng chi trả.
Người đi vay không hề được tư vấn cách tính lãi phải trả, họ chỉ biết số tiền trả cuối cùng. Trong khi những khoản vay qua ứng dụng thường bị trừ phí khá cao, có khi bị trừ đến 1/3 số tiền duyệt vay nhưng lại bị tính lãi đầy đủ. Đây chính là bẫy mà những người đi vay không lường trước, đến khi lún sâu vào các khoản vay mới tá hỏa cách tính lãi (có khi lên đến 200%/ngày).
Thủ đoạn đòi nợ của các đối tượng: Liên tục gọi điện thoại hoặc nhắn tin “khủng bố” đe dọa tinh thần, tính mạng đối với cá nhân người vay và gia đình người vay, dẫn đến người vay bị ảnh hưởng đến danh dự, bị hạ uy tín trước người thân, bạn bè và xã hội… Tung tin người vay là kẻ lừa đảo, nợ tiền, truy nã đăng hình ảnh người vay lên các mạng xã hội đã tham gia. Tìm đến địa chỉ của người vay hoặc người thân quen của người vay để đòi nợ.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm hiện tại lực lượng chức chưa phát hiện các tổ chức, công ty quảng cáo cho vay qua ứng dụng; tuy nhiên, có một trường hợp theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với vụ việc này, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan và Công an TX.Gò Công tiến hành phối hợp xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.
Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 13-6-2019 của UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, nhất là phối hợp các sở, ngành, đoàn thể làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 74/KH-BCNĐA ngày 2-1-2019 của Ban Chủ nhiệm Đề án về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” như: cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng… Khi có tài liệu từ các nguồn tố giác, tin báo, kiến nghị hoặc từ nguồn nghiệp vụ khác thì lập án để đấu tranh. Đồng thời, tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”… Phối hợp Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân các cấp chủ động trong điều tra truy tố, xét xử các loại tội phạm liên quan tín dụng đen.
Phối hợp các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản trên phạm vi toàn tỉnh về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình tội phạm hoạt động trên không gian mạng (các mạng xã hội Facebook, Zalo…), nhất là các đối tượng lợi dụng không gian mạng để tiếp thị, quảng cáo cho vay qua các ứng dụng, kịp thời phát hiện phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và để đấu tranh xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kịp thời phát hiện phối hợp lực lượng chức năng xử lý (hoặc đẩy đuổi) các đối tượng từ nơi khác đến hoạt động cho vay lãi nặng và chịu trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn của mình.
Tổ chức rà soát các vụ việc có hành vi tương tự như trên, tiến hành phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí xây dựng các phóng sự, viết bài đưa tin tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trên địa bàn nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng, vay qua các ứng dụng. Đồng thời, thông báo phương thức, thủ đoạn của đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động tín dụng đen trên các ứng dụng vay tiền online trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác đối với hoạt động này. Thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa và mạnh dạn tố giác tội phạm; vận động nhân dân không tham gia, không vay tiền của cá nhân, tổ chức hoạt động cho vay nêu trên.
Người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng khi vay tiền qua các ứng dụng trên các mạng xã hội, mặc dù thủ tục có đơn giản nhưng vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện. Tuyên truyền rộng rãi đến người thân trong gia đình về các phương thức, thủ đoạn biến tướng của các loại hình “tín dụng đen” hiện nay để biết mà phòng tránh, không tham gia vay mượn.
Khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ.
Khi bị các đối tượng thường xuyên đe dọa, khủng bố về tinh thần hoặc bôi nhọ về danh dự, hãy liên hệ ngay với lực lượng Công an nơi gần nhất để được bảo vệ kịp thời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về việc vay tiền, nhằm phục vụ công tác xác minh, điều tra mang lại hiệu quả cao nhất.
PHÙNG LONG