Ngay từ đầu năm, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng 16 – 18%, dư nợ tín dụng tăng 18 – 20%. NHNN xác định: Việc điều hành lãi suất cần điều hòa với diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường nội tệ, ngoại hối và cân đối lợi ích giữa ngân hàng – người gửi tiền – người vay.

NHNN nhận định khả năng lạm phát năm 2016 có thể cao hơn năm 2015, mặt bằng lãi suất tương đối phù hợp với định hướng lâu dài để ổn định lạm phát ở mức dưới 5%. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã công bố giải pháp: “NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày với biến động cả hai chiều lên xuống để phản ánh sát hơn diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, nhằm hạn chế những cú sốc từ bên ngoài, loại bỏ tâm lý găm giữ, đầu cơ trên thị trường tiền tệ”.

Từ quý I năm 2016 trở đi, lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,8 – 1%/năm (đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng); 4,5 – 5,4%/năm (đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 – 6 tháng); 5,4 – 6,5%/năm (đối với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4 – 7,2%/năm (đối với kỳ hạn trên 12 tháng).

Về lãi suất cho vay: 6 – 7%/năm (đối với lĩnh vực ưu tiên, vay ngắn hạn); các NH thương mại có vốn Nhà nước chi phối cho vay trung và dài hạn đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên mức vay 9 – 10%/năm; cho vay lĩnh vực kinh doanh thông thường 6,8 – 9%/năm (đối với thời hạn vay ngắn hạn); 9,3 – 11%/năm đối với mức vay trung và dài hạn.

Ngày 23/12/2016, một số NH điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như Sacombank tăng lãi suất thêm 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Trước đó các NH như VPbank, Eximbank, Techcombank, SHB… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng ở nhóm các NH nhỏ, còn các NH “tứ trụ” như BIDV; Vietcombank, Vietinbank, Agribank thì ngay giữa năm 2016 đã điều chỉnh lãi suất huy động giảm so với đầu năm. Ở thời điểm cuối năm nay, người gửi tiền vào các NH này chỉ được hưởng “lộc đầu xuân” còn lãi suất tiết kiệm thì hầu như không thay đổi. Đặc biệt, càng về các tháng cuối năm, lãi suất cho vay đều có xu hướng giảm.

Ngày 15/12/2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản USD thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25 – 0,5% lên 0,5 – 0,75%. Đồng thời, Fed phát đi tín hiệu dự kiến sẽ có 3 lần nâng lãi suất trong năm 2017 (mỗi lần 0,25%), tăng so với dự kiến 2 lần được đưa ra tại cuộc họp tháng 9/2016. Theo dự báo của Fed, đến cuối năm 2017 lãi suất sẽ vào khoảng 1,25 – 1,5%. Fed cũng giữ nguyên dự đoán sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2018 và 3 lần trong năm 2019.

Từ 1/1/2017, quy định về lãi suất trong hợp đồng cho vay có nhiều thay đổi

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định các bên trong hợp đồng cho vay có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không vượt quá 150%/năm lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2017, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, quy định: Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay…

Ngay trong ngày Fed tăng lãi suất, thì tỷ giá USD/VND lên gần kịch trần so với hạn mức cho phép của NHNN. Các NH thương mại đã đồng loạt tăng 20 – 30 đồng/USD sau khi nhiều phiên tăng liên tục trước đó, niêm yết phổ biến ở mức 22.690 – 22.710 đồng/USD mua vào và 22.780 – 22.790 đồng/USD bán ra. Như vậy, với biên độ +/-3% của tỷ giá trung tâm đang được áp dụng trong ngày 15/12, tỷ giá USD/VND đã được các ngân hàng tăng sát mức trần tỷ giá được NHNN quy định trong ngày ở mức 22.799 đồng/USD.

Những ngày sau đó, USD liên tục có biến động như tăng giá, đi ngang và trong sáng ngày 20/12 giá USD lại nhích lên. Eximbank sáng 20/12 đã nâng giá bán ra USD lên 22.800 đồng, cao hơn 10 đồng so với sáng hôm trước. Giá mua vào USD tại NH này cùng tăng 10 đồng, lên 22.700 đồng. Tại Vietcombank, giá USD niêm yết sáng 20/12 là 22.715 đồng và 22.785 đồng, tương ứng giá mua và bán, không thay đổi so với hôm trước. Sau lễ Noel, tỷ giá USD vẫn nhích lên. Trong tháng 12/2016, USD tăng tỷ giá cao nhất trong 14 năm qua.

Về bản chất, các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát, qua đó khiến lãi suất tăng nhanh trong tương lai sẽ là nhân tố hỗ trợ mạnh trong thời gian tới. USD đã tăng giá 3 – 4% từ khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhưng USD không quá mạnh vì nó sẽ làm yếu đi lĩnh vực ngoại thương của Mỹ.

VND mất giá gần 2% từ đầu năm đến nay, nhưng theo TS Trần Du Lịch cho rằng: “Cần phải xem xét biến động của các đồng tiền trong rổ tiền tệ mà NHNN căn cứ vào đó để điều hành theo chính sách tỷ giá trung tâm. Thực tế cho thấy, tỷ giá USD/VND biến động vào thời điểm cuối năm không phải VND mất giá mà là đồng USD lên giá”.

TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, việc Fed tăng lãi suất sẽ có những tác động nhất định đến thị trường tài chính của Việt Nam. Trong năm tới, nếu Việt Nam không tăng lãi suất USD thì sẽ dẫn đến “chảy máu” nguồn ngoại tệ ra nước ngoài. Nếu lãi suất USD tăng thì lãi suất tiền đồng cũng phải tăng trong năm tới để thu hút người gửi. Như vậy tiền đồng sẽ không bị mất giá so với các ngoại tệ khác. Do vậy, NHNN cần phải có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt.

Trong năm 2016, nhờ ổn định lãi suất tiền vay và tiền gửi, NH vẫn là kênh đầu tư nhiều nhất của khách hàng so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ… Nhờ vậy, nguồn tiền trong NH luôn luôn dồi dào đáp ứng được nhu cầu vay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, góp phần vào sự ổn định phát triển kinh tế đất nước.

Thế Lữ

By Thai Anh

Hỗ trợ bạn đọc có thêm nhiều kiến thức vay vốn. Giúp mọi người có thể giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống thường ngày.