Những công việc quan trọng cho kế toán và nhân sự
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là thời điểm vô cùng bận rộn với nhiều công việc quan trọng về tài chính và nhân sự đối với các doanh nghiệp. Để khởi đầu năm mới thuận lợi và tránh rủi ro xử phạt theo quy định pháp luật, trong bài viết này, EzCash.vn sẽ tổng hợp danh sách các công việc kế toán, nhân sự cần theo dõi và thực hiện vào cuối năm cũ và đầu năm mới. Cùng tham khảo nhé!
Công tác liên quan đến công nợ
Đối chiếu công nợ
Kế toán cần thực hiện hạch toán và xác nhận công nợ với khách hàng và nhà cung cấp dựa trên các khoản đã ghi nhận. Nếu phát hiện chênh lệch, cần tìm nguyên nhân và thực hiện hạch toán, xác nhận bổ sung ngay sau đó.
Trường hợp phát hiện công nợ năm 2022 bị thiếu, chênh lệch hoặc sai sót, nhưng kế toán mới phát hiện và hạch toán bổ sung ở năm 2023, chi phí đó sẽ bị ghi nhận sai kỳ, dẫn đến rủi ro thuế loại trừ chi phí của năm sau.
Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi
Kế toán cần xác định và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi cho các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán hoặc khó thu hồi được đầy đủ. Mức trích lập dự phòng sẽ tuỳ thuộc vào thời hạn nợ.
Lưu ý: Việc trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi phải thực hiện tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Công tác liên quan đến quỹ tiền và các khoản tạm ứng
Kiểm kê quỹ tiền mặt
Kế toán cần kiểm kê lại quỹ tiền mặt hiện có để xem có số dư lớn hay không. Điều này giúp tránh tình trạng âm tiền.
Cần lưu ý nếu số dư tiền mặt quá lớn và doanh nghiệp có phát sinh lãi vay, chi phí lãi vay có thể bị loại khỏi chi phí hợp lý của doanh nghiệp, gây nghi vấn: “Doanh nghiệp tồn nhiều tiền mặt tại sao lại đi vay?”
Kiểm kê quỹ tiền trong tài khoản ngân hàng
Kế toán cần kiểm kê lại các tài khoản ngân hàng và xác nhận số dư có trong các tài khoản đó. Có thể gửi thư xác nhận hoặc đối chiếu qua sổ phụ ngân hàng để chắc chắn rằng số tiền dư khớp với số dư trên sổ kế toán.
Kiểm kê các khoản tiền tạm ứng
Kế toán cần kiểm tra và đối chiếu các khoản tiền tạm ứng theo chứng từ đã ghi nhận. Trong trường hợp các khoản tạm ứng chưa được hoàn ứng, hãy thực hiện hoàn ứng ngay.
Rà soát lại các khoản tiền vay, mượn nội bộ
Kế toán cần rà soát lại các khoản tiền vay, mượn nội bộ và hoàn lại các khoản vay, mượn đó trước kỳ kế toán năm.
Công tác liên quan đến chi phí doanh nghiệp
Chi phí tài chính doanh nghiệp
Kế toán cần kiểm tra tỷ lệ chi phí lãi vay trong tổng chi phí tài chính của doanh nghiệp. Trong trường hợp tiền mặt còn dư quá nhiều và phát sinh chi phí tài chính (lãi vay), chi phí này có thể bị loại khỏi chi phí hợp lý khi quyết toán thuế nếu doanh nghiệp không giải trình được lý do hợp lý.
Khi đánh giá chênh lệch tỷ giá từng lần thanh toán, kế toán cần lập file theo dõi và hạch toán vào nợ TK 635 (chi phí tài chính – số chênh lệch tỷ giá giao dịch thực tế bán nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán).
Khi đánh giá chênh lệch tỷ giá hối đoái cuối kỳ, nếu phát sinh lỗ thì chi phí này bị loại trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trích trước chi phí phải trả
-
Với các khoản chi phí đã phát sinh trong kỳ nhưng thiếu chứng từ, kế toán cần trích trước khoản chi phí này và ghi nhận vào chi phí tương ứng để đảm bảo ghi nhận chi phí đúng kỳ.
-
Với khoản chi phí là lãi vay dự trả, kế toán cần trích trước phần chi phí là phần lãi cần trả được tính trước trong năm phát sinh (kể cả chưa đến thời hạn thanh toán nợ).
Xác định chi phí không được trừ khi quyết toán thuế TNDN
- Các khoản chi như lãi vay của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, tiền phạt về vi phạm hành chính, tiền phạt nộp chậm thuế không được miễn trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đã hạch toán kế toán trước đó (chỉ tiêu B4). Kế toán nên lập một file riêng để theo dõi các khoản chi phí này để cuối năm khi thực hiện quyết toán thuế TNDN thì đối chiếu, kiểm tra lại.
Công tác liên quan đến tài sản cố định
Kiểm kê tài sản cố định
Kế toán cần kiểm kê tài sản cố định của doanh nghiệp và lập biên bản kiểm kê. Đối với tài sản cố định hữu hình và vô hình, kế toán cần chú ý lưu chuyển đúng khoảng thời gian và ghi ngày kiểm kê là ngày cuối cùng của năm kế toán 31/12/2022.
Xử lý chênh lệch tài sản cố định
Sau khi kiểm kê tài sản, nếu có chênh lệch hoặc sai sót giữa việc kiểm kê và sổ sách, kế toán cần tìm ra nguyên nhân và xử lý chênh lệch đó.
Trích khấu hao tài sản cố định
Theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC, tất cả các tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao. Chi phí khấu hao được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế TNDN.
Công tác liên quan đến hàng hóa, tồn kho
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm/hàng hóa cụ thể, kế toán cần kiểm kê lại số hàng tồn thực tế so với số hàng tồn trong hệ thống quản lý để xem có khớp hay không. Đồng thời, kiểm tra lại số lượng hàng đã nhập và đã xuất bán để đối chiếu với số lượng hàng tồn. Tuyệt đối không để xuất quá số lượng hàng tồn kho hiện có trên hệ thống và thực tế trong kho.
Bên cạnh đó, kế toán cần xác định hàng tồn kho hư hỏng, giảm giá trị để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Bảng trích lập cần nêu chi tiết tài khoản, tên hàng tồn kho, mã hàng.
Hồ sơ trích lập dự phòng hàng tồn kho đáp ứng theo quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC để tránh rủi ro bị loại trừ chi phí.
Công tác liên quan đến các khoản thuế phải nộp
Nộp lệ phí môn bài
Doanh nghiệp phải thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
Quyết toán thuế TNDN
Thời hạn quyết toán thuế TNDN là chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Trong trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sát nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động, thời hạn quyết toán thuế TNDN là ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định về việc chia, tách, hợp nhất, sát nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp.
Quyết toán thuế TNCN
Thời hạn nộp tờ khai thuế TNCN chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng liền sau nếu số thuế TNCN doanh nghiệp phải nộp trong tháng lớn hơn 50 triệu. Nếu trong tháng, số thuế TNCN doanh nghiệp phải nộp nhỏ hơn 50 triệu, thực hiện nộp tờ khai thuế TNCN theo quý với thời hạn là ngày 30 hoặc 31 của tháng đầu quý sau. Thời hạn quyết toán thuế TNCN là ngày 31/03/2023 cho cá nhân ủy quyền và ngày 30/04/2023 cho cá nhân tự quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế.
Nộp tờ khai thuế GTGT tháng 12/2022 hoặc quý IV/2022
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng là ngày thứ 20 của tháng liền kề sau với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Như vậy, chậm nhất là ngày 20/01/2023, doanh nghiệp phải thực hiện nộp tờ khai thuế GTGT của tháng 12/2022. Với thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo quý, tính vào hạn cuối là ngày 30 hoặc 31 (ngày cuối cùng) của tháng đầu quý sau.
Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Doanh nghiệp cần nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý và theo tháng tùy thuộc vào loại hóa đơn đang sử dụng. Thời hạn nộp báo cáo là ngày 30/01/2023 cho báo cáo quý IV/2022 và ngày 20/01/2023 cho báo cáo tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, phần mềm hóa đơn điện tử MISA meInvoice đã đáp ứng đầy đủ các quy định mới nhất về hóa đơn điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi hóa đơn điện tử MIỄN PHÍ.
Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
Doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ tự in trên máy vi tính chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng lao động
Doanh nghiệp phải báo cáo tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 15/01/2023.
Các loại báo cáo cần thực hiện
- Báo cáo tài chính năm 2022
- Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
- Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
- Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng lao động
- Báo cáo tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho kế toán và nhân sự trong quá trình làm việc.