Tôi nay đã 50 tuổi và tích cóp được 200 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này quá ít để đầu tư vào bất động sản và gửi ngân hàng cũng không mang lại lợi suất cao. Gần đây, có người hàng xóm muốn mượn tôi số tiền này và họ hứa sẽ trả lãi mỗi tháng 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi đã nghe nhiều trường hợp khi vay tiền, ban đầu họ hứa trả lãi suất nhưng sau đó chỉ trả được vài tháng đầu, rồi “lặn” mất tăm. Khi tôi báo công an thì công an nói đó là vụ việc dân sự, không xử lý. Nếu kiện ra tòa thì mất thời gian và công sức.

Vậy nếu tôi cho vay 200 triệu đồng, trong vòng 1 năm, lãi suất 4 triệu đồng/tháng có vi phạm pháp luật không? Để đảm bảo, có nên yêu cầu họ đưa giấy tờ xe và giấy tờ nhà đất để tôi giữ? Tôi nên làm gì để tránh bị “quỵt” nợ?

Đó là những thắc mắc mà bạn đọc Trần Đức gửi đến Báo Thanh Niên.

Thời gian qua, công an xử lý nhiều vụ việc cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Lãi suất không vượt quá 20%/năm

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo điều 468 bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của số tiền vay.

Với số tiền bạn muốn cho vay là 200 triệu đồng, lãi suất tối đa là 40 triệu đồng/năm, tương đương 3,33 triệu đồng/tháng. Vì vậy, lấy lãi suất 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) là vượt quá quy định. Số tiền vượt quá quy định (8 triệu đồng) sẽ không có hiệu lực.

Theo luật sư Chánh, hiện nay chỉ có quy định xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật cho vay với lãi suất vượt quá tỷ lệ quy định của bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, nếu cho vay với lãi suất vượt quá 100%/năm, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng, hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng.

Nên giữ giấy tờ xe, nhà đất của người vay không?

Căn cứ vào điều 292 bộ luật Dân sự, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.

Do đó, nếu bạn chỉ yêu cầu giữ giấy tờ xe, giấy tờ nhà đất mà không kèm theo biện pháp bảo đảm nêu trên, thì không có nhiều giá trị về mặt pháp lý.

Để tránh vi phạm pháp luật, không được cho vay với lãi suất vượt quá 20%/năm

“Trên thực tế, có trường hợp sau khi đã giao giấy tờ xe, nhà, đất cho chủ nợ, người vay tài sản làm đơn cớ mất, để sau đó được cấp lại giấy tờ, rồi lại tiếp tục giao dịch với người khác. Điều này sẽ là bất lợi đối với người cho vay trong việc thu hồi nợ”, luật sư Đức Chánh cho biết.

Cho vay mà vẫn đòi được nợ

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn thêm, để tránh rủi ro như người vay mất khả năng chi trả hoặc cố ý trốn nợ, trước khi cho vay, bạn cần tìm hiểu xem họ có khả năng trả nợ hay không.

“Bởi nếu người vay không có tài sản và mất khả năng chi trả, dù bạn có khởi kiện họ ra tòa và thắng kiện thì cũng khó lấy lại được tiền”, luật sư Hoan nói.

Rất nhiều trường hợp, người vay tiền có tài sản, nhưng khi vay số tiền lớn thì họ tìm mọi cách để tẩu tán hết tài sản, nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ sau này.

Theo luật sư Hoan, để đảm bảo việc thu hồi được nợ, bạn nên yêu cầu người vay sử dụng tài sản của họ để đảm bảo cho khoản vay. Thông thường, cách phổ biến nhất là qua hình thức cầm cố, giao tài sản có giá trị như xe máy, xe ô tô… cho bạn giữ và lập biên bản. Hoặc bạn có thể yêu cầu họ làm hợp đồng thế chấp tài sản (công chứng hoặc chứng thực) rồi giao giấy tờ liên quan cho bạn giữ.

Trong trường hợp họ không trả nợ đúng hạn hoặc chỉ trả một phần, bạn có thể khởi kiện ra tòa. Bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án sẽ bán phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cho bạn.

Với những lưu ý trên, tôi hi vọng bạn sẽ có được thông tin hữu ích và tránh rủi ro khi cho vay tiền. Nếu bạn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm, hãy đến với EzCash.vn.

Liên kết: EzCash.vn

By Thai Anh

Hỗ trợ bạn đọc có thêm nhiều kiến thức vay vốn. Giúp mọi người có thể giải quyết các vấn đề tài chính trong cuộc sống thường ngày.